Phòng CTSV - Tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của sinh viên; thực hiện chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật sinh viên; tư vấn cho sinh viên về học tập và các lĩnh vực liên quan; quản lý sinh viên nội, ngoại trú của Trường.

PHÒNG CÔNG TÁC SINH VIÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

Tham luận về phong trào Hiến máu nhân đạo tại Đại hội Hội chữ thập đỏ Thành phố Hải Phòng

Tham luận về phong trào Hiến máu nhân đạo tại Đại hội Hội chữ thập đỏ Thành phố Hải Phòng

(Đơn vị: Hội Chữ thập đỏ Trường Đại học Hàng hải)

       

 

  

Kính thưa Đoàn Chủ tịch, các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa toàn thể Đại hội!

Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trên đất nước ta đang có hàng ngàn những số phận không may mắn, đang cần truyền máu để duy trì sự sống. Thế nhưng, theo số liệu mới nhất của Trung tâm huyết học và truyền máu Trung ương, nhu cầu truyền máu hiện nay đã vượt gần gấp đôi sức cung của ngân hàng máu. Đặc biệt là khoảng thời gian sau Tết, lượng máu thu nhận được chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Phần thiếu hụt còn lại này đang trông chờ vào những tấm lòng nhân ái của chúng ta.

Xác định hiến máu nhân đạo là một trong những chính sách xã hội của Nhà nước, phù hợp với truyền thống đạo lý dân tộc. Đồng thời với nhận thức chia sẻ những rủi ro, đồng cảm với những số phận, hoàn cảnh khó khăn. Hội Chữ thập đỏ Trường Đại học Hàng hải - một tổ chức cơ sở luôn được xếp là đơn vị dẫn đầu trong các đơn vị hiến máu nhân đạo của Thành phố, hằng năm Hội đã tích cực vận động, tuyên truyền và chỉ đạo công tác hiến máu nhân đạo đến cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên bằng nhiều hình thức như: gửi thư kêu gọi, gửi công văn đến các các khoa, phòng, ban; thiết kế nội dung các khẩu hiệu, băng rôn; quan tâm, chỉ đạo các công đoàn, đoàn thanh niên cơ sở thực hiện tuyên truyền, vận động; chuyển kết quả xét nghiệm, tư vấn sức khoẻ cho người tham gia hiến máu; gửi thư cảm ơn, quan tâm, chăm lo với người hiến máu.

Tỷ lệ người hiến máu của Nhà trường trong những năm 2006 - 2011 luôn vượt ở mức trên 200% trong tổng số chỉ tiêu Thành phố giao. Nhà trường được vinh dự tổ chức các chương trình trọng điểm của Thành phố như: “Lễ hội Xuân Hồng”, “Những giọt máu trong hè”, “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu”… được Hội Chữ thập đỏ Thành phố tuyên dương khen thưởng tập thể xuất sắc qua các năm, được Ban Chỉ đạo Hiến máu nhân đạo Trung ương tặng bằng khen năm 2009 và năm 2010, được UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2010 và năm 2011. Trước và sau công tác hiến máu nhân đạo đều được tiến hành thận trọng, hiệu quả, ý nghĩa, nâng cao được ý thức, trách nhiệm của người tham gia. Ngày 07/4/2011, Hội Chữ thập đỏ Nhà trường tổ chức “Lễ Hội Xuân hồng” cấp thành phố, thu hút được hơn 1.000 người đến hiến máu, trong 01 buổi sáng cùng ngày đã thu nhận được 589 đơn vị máu (1 đơn vị = 350 ml máu) , thiết lập 01 kỷ lục mới ở Thành Phố Hải Phòng về số đơn vị máu được hiến trong 01 lần. Những kết quả trên đây cho thấy hoạt động hiến máu nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ trường Đại học Hàng hải tổ chức đang ngày càng nhận được sự đồng thuận lớn. Mặt khác, cho thấy ý thức, trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của lãnh đạo Nhà trường, của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Bản thân thầy Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác sinh viên, TS. Phạm Xuân Dương - Phó Hiệu trưởng đã 7 lần hiến máu nhân đạo.

Từ thực tiễn tại trường Đại học Hàng hải, để hoạt động hiến máu nhân đạo trở thành thường xuyên và có ý nghĩa tốt đẹp cho cộng đồng, Hội Chữ thập đỏ Nhà trường đề xuất với Đại hội một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Hội Chữ thập đỏ Thành phố, Ban Chỉ đạo Vận động Hiến máu Thành phố làm tốt công tác khảo sát, vận động, tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, tuổi trẻ với xã hội, với truyền thống đạo lý dân tộc.

Hai là, đổi mới các phương pháp tuyên truyền như:

- Dán tài liệu, treo băng rôn, áp phích cổ vũ hiến máu nhân đạo với những thông tin cần thiết vào những vị trí dễ quan sát, nơi tập trung đông người của Thành phố. Bởi vì đây là hình thức có tác dụng trực quan, tác động trực tiếp đến cách nhìn nhận của cộng đồng.

- Gửi thư cảm ơn, thư mời hiến máu tình nguyện nhằm cảm ơn, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các cá nhân (và tập thể) tham gia hiến máu sau khi họ đã hiến máu tình nguyện xong. Qua đó, sẽ có tác dụng làm cho người đã hiến máu thấy được sự trân trọng, quan tâm, ý nghĩa, sự cống hiến, công lao một phần của mình đối với xã hội, từ đó sẽ làm lan tỏa sự vận động, tuyên truyền trong những lần hiến máu về sau.

- Tập huấn, phổ biến kiến thức, ý nghĩa, hiểu biết về công tác hiến máu nhân đạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, giảng viên và sinh viên.

- Lưu trữ danh sách những người hiến máu tình nguyện (đặc biệt là những người hiến nhiều lần) để có kế hoạch gặp mặt và tôn vinh họ. Nên tổ chức lễ tôn vinh có quy mô, vì điều này sẽ có tác dụng làm cho người hiến máu tình nguyện cảm thấy hành động của họ được mọi người, được bạn bè, thầy cô, được xã hội ghi nhận, thúc đẩy tinh thần hăng hái, gương mẫu đi đầu trong hiến máu và vận động, tuyên truyền.

Ba là, Hội Chữ thập đỏ các cơ sở có kế hoạch riêng về hoạt động hiến máu nhân đạo phù hợp với thực tiễn đơn vị mình, thành lập các Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo, các Câu lạc bộ những người cùng nhóm máu. Xây dựng phong cách tuyên truyền viên hoà nhã, ân cần và chu đáo. Lựa chọn địa điểm hiến máu đảm bảo sạch đẹp, thoáng mát. Nên tổ chức hiến máu nhân đạo định kỳ mỗi năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng. Sau mỗi lần cần đánh giá về hiệu quả, rút ra những sáng kiến, kinh nghiệm, hình thức, cách làm hay, sáng tạo.

 

Kính thưa Đại hội!

 

Cuộc sống của con người dù ở bất kỳ giai đoạn nào cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và môi trường sống. Những rủi ro, bất hạnh, khó khăn ngoài ý muốn đã làm cho một bộ phận dân cư rơi vào tình cảnh yếu thế. Để có thể tồn tại và phát triển, họ cần được sự trợ giúp của xã hội. Qua tham luận này, tôi muốn nhắn nhủ rằng: chỉ cần hiến một phần máu của mình, bạn đã cứu được rất nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu. Tôi thấy việc hiến máu nhân đạo là hết sức ý nghĩa và không có hại cho sức khỏe nếu chúng ta thực hiện đúng quy trình. Và điều quan trọng là để hoạt động này trở thành thường xuyên, cần rất lớn sự đồng cảm, chia sẻ, ý thức trách nhiệm, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của từng cá nhân với xã hội và đất nước.