Phòng CTSV - Tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của sinh viên; thực hiện chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật sinh viên; tư vấn cho sinh viên về học tập và các lĩnh vực liên quan; quản lý sinh viên nội, ngoại trú của Trường.

PHÒNG CÔNG TÁC SINH VIÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

Mối quan hệ và trách nhiệm của sinh viên trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp

Tham luận:

Mối quan hệ và trách nhiệm của sinh viên trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp

 

Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn sinh viên có mặt trong Hội nghị ngày hôm nay.

Tôi tên là: Nguyễn Quang Thịnh đại diện cho sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam xin trình bày bản tham luận: “Mối quan hệ và trách nhiệm của sinh viên trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp”.

Hiện nay, chất lượng đang được quan tâm nhiều trên thế giới. Mọi người bàn luận về chất lượng trong mọi lĩnh vực của xã hội: trong các ngành công nghiệp, dịch vụ,… và trong cả lĩnh vực giáo dục. Chất lượng luôn là vấn đề quan trọng nhất của tất cả các trường đại học. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ cơ sở đào tạo đại học nào.

Đối với sinh viên, chất lượng đào tạo có sự quyết định rất lớn đến sự phát triển cá nhân và việc chuẩn bị cho một công việc mới sau khi tốt nghiệp. Giáo dục phải kết nối với mối quan tâm cá nhân của người sinh viên.

Nhu cầu của xã hội và của các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện nay đang trở thành mối quan tâm hang đầu của toàn xã hội nói chung và của sinh viên nói riêng. Thực tế hiện nay, các nhà tuyển dụng phải đào tạo lại hầu hết sinh viên tốt nghiệp sau khi được tuyển dụng vào, vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Trong khi đó hầu hết các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đều lâm vào tình trạng: “sinh viên khi bước chân vào trường ĐH chỉ biết học và học, mà không có những định hướng nghề nghiệp cũng như không biết được sự vận động liên tục của xã hội việc làm bên ngoài”.

Một thực trạng vẫn luôn tồn tại ở nước ta là tình trạng thừa thầy thiếu thợ, nhiều sinh viên chỉ coi cao đẳng, trung cấp là nơi tạm trú, chờ thi tiếp đại học. Như vậy, nhiều trường sẽ thiếu chỉ tiêu đào tạo trong khi đó doanh nghiệp trực tiếp sản xuất cần nhiều công nhân kỹ thuật mà không có nguồn cung cấp đủ. Cử nhân, kỹ sư có thể vững lý thuyết, nhưng thiếu kinh nghiệm thực hành nên khó đáp ứng. Điều đó phần nào gây ra sự mất cân đối trong việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng việc làm.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: trang thiết bị và tài liệu dạy học của các trường quá lạc hậu so với sự phát triển của khoa học công nghệ và trình độ sản xuất hiện đại. Sinh viên phải thực hành trên những phương tiện sản xuất cách đây 30-40 năm. Thầy cô giáo trẻ đứng lớp phần nào chưa đáp ứng được kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Việc phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nhân lực rất cần thiết, nhưng thời gian qua, quan hệ này còn rời rạc, tự phát, khi có, khi không. Mặt khác, với lối sống như hiện nay sinh viên rất dễ bị tác động từ các yếu tố ngoại cảnh dẫn đến tư tưởng bị phân tán không chú trọng việc tìm tòi, sáng tạo trong học tập.

Như vậy, chúng ta đều thấy rằng việc quan tâm đến mối quan hệ giữa sinh viên với nhà trường và doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Chúng ta cần phải thực sự nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc để có thể giải quyết cho tốt.

Việc đánh giá chất lượng đào tạo của các trường cũng nên được tiếp cận theo một góc nhìn mới hơn. Như để đánh giá thành công trong công tác đào tạo của các trường không phải bằng con số tốt nghiệp ra trường mà xác định bằng số lao động có việc làm, được lao động trong các doanh nghiệp và chất lượng công việc mà họ mang đến. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng phải được các tổ chức sinh viên nhận thức đúng đắn và phổ biến rộng rãi cho tất cả các sinh viên bằng các hình thức hợp lí và có sức lan toả.

Điều chúng ta cần hiện nay chính là: “ Cái bắt tay chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng”, sự gắn kết hoạt động đào tạo ở nhà trường với các nhà sử dụng lao động, các doanh nghiệp phải là một quá trình tương tác không thể tách rời. Thông qua sự hợp tác, các doanh nghiệp ngoài việc quảng bá được hình ảnh của mình, còn tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư vào nguồn lao động chất lượng cao để lựa chọn những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thông qua sự cam kết ưu tiên nguồn nhân lực từ phía Nhà trường”. Về phía nhà trường, sự hợp tác này sẽ “góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”. Còn sinh viên sẽ “có sự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của bản thân ngay từ đầu, đồng thời kiểm nghiệm được giá trị và hiệu quả của những tri thức đã học.

            Một lần nữa tôi xin khẳng định: “Tất cả vì một nền giáo dục đào tạo tốt hơn, vì một nguồn nhân lực có đủ năng lực và phẩm chất để vượt qua các thách thức của thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, hy vọng đó sẽ là quyết tâm của toàn thể các ngành, các cấp, của cán bộ, giáo viên và sinh viên trong cả nước. Hãy bắt tay cùng nhau xây dựng một đất nước tiên tiến và phát triển vì mục tiêu chung của cả xã hội.

 

Tôi xin kết thúc bài tham luận tại đây.

Xin kính chúc sức khoẻ các vị đại biểu, chúc hội nghị thành công tốt đẹp!