Phòng CTSV - Tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của sinh viên; thực hiện chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật sinh viên; tư vấn cho sinh viên về học tập và các lĩnh vực liên quan; quản lý sinh viên nội, ngoại trú của Trường.

PHÒNG CÔNG TÁC SINH VIÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

Chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Phụ nữ hàng hải quốc tế - 18/5, Ngày Thuyền viên thế giới - 25/6 và Ngày Hàng hải thế giới năm 2024 - 26/9

Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) gửi thông tri tới các quốc gia thành viên nhằm hướng ứng, tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Phụ nữ hàng hải quốc tế (International Day for Women in Maritime - 18/5), Ngày Thuyền viên thế giới (Day of the Seafarer - 25/6) và Ngày Hàng hải thế giới năm 2024 (World Maritime Day - 26/9).

Ngày 25 tháng 6 hàng năm được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) lựa chọn là Ngày Thuyền viên thế giới (Day of the Seafarer). IMO khuyến khích các quốc gia thành viên tổ chức các hoạt động để nâng cao nhận thức của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí của thuyền viên trong ngành hàng hải, nhằm tôn vinh những đóng góp, cống hiến lớn lao của thuyền viên đối với xã hội toàn cầu.

Đối với VMU Việt-Hàn, bên cạnh nhiệm vụ vận hành, bảo dưỡng tàu an toàn, sỹ quan, thuyền viên tàu còn trực tiếp tham gia giảng dạy, huấn luyện sinh viên thực tập, học viên các khóa huấn luyện hàng hải trên tàu. Công tác quản lý sinh viên, huấn luyện, thực tập trên tàu đang ngày càng phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, thuyền viên.

Chủ đề của ngày Thuyền viên Thế giới năm 2024 là: Thuyền viên góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn hơn cho ngành hàng hải - "Seafarers's contribution to making the maritime sector a safer workplace". Ngài Arsenio Antonio Dominguez Velasco - Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về chiến dịch năm 2024 nhằm tôn vinh sự đóng góp của người đi biển trong việc biến ngành hàng hải trở thành nơi làm việc an toàn hơn. Tổng Thư ký cho rằng: nếu không có thuyền viên, sẽ không có hàng hóa, không mua sắm và không có chuỗi cung ứng. Ngày ngày, các thuyền viên chứng minh trình độ chuyên môn của họ trên toàn thế giới như các công việc trên boong tàu, dưới buồng máy, buồng lái, trong ca bin và dưới hầm hàng nhằm thực hiện các phương thức vận chuyển lớn nhất thế giới với mức độ an toàn cao nhất. Không ai hiểu rõ công việc của bạn hơn chính bạn. Kinh nghiệm của bạn là hoàn toàn quan trọng đối với tương lai của vận chuyển và lĩnh vực an toàn….”

 

Hưởng ứng phát động của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Phụ nữ ngành Hàng hải (International Day for Women in Maritime), ngày 17/5/2024 Khoa Máy tàu biển đã tổ chức gặp mặt thân mật giữa các sinh viên nữ đang theo học ngành Máy tàu biển và các doanh nghiệp hàng hải đang hoạt động tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Theo số liệu thống kê, số lượng nhân lực nữ trong ngành Hàng hải chiểm một tỷ lệ rất nhỏ. Tỷ lệ nữ trong đội ngũ thuyền viên còn thấp hơn, chỉ chiểm khoảng 1%. Sự mất cân bằng giới trong ngành không chỉ là do điều kiện làm việc vất vả, phải đối mặt với điều kiện sóng gió, xa nhà, mà còn là nhận thức của xã hội, sự đối xử thiếu công bằng trong đào tạo, tuyển dụng, bố trí việc làm cho nhân lực nữ. 

Ngày 04/12/2019, Đại hội đồng IMO đã thông qua Nghị quyết A.1170 (32) tại phiên họp lần thứ 32 và công bố chính thức ngày 18/5 hàng năm là ngày Quốc tế Phụ nữ ngành Hàng hải. Đây là dịp đặc biệt nhằm tôn vinh phụ nữ trong ngành, thúc đẩy việc tuyển dụng, giữ chân, duy trì việc làm bền vững và nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực hàng hải. Chiến dịch cũng củng cố cam kết của IMO đối với Mục tiêu phát triển bền vững số 5 của Liên hợp quốc (bình đẳng giới) và góp phần giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính trong ngành hàng hải hiện nay.

Năm 2024, IMO chọn chủ đề "Safe Horizons: Women Shaping the Future of Maritime Safety" (Phụ nữ định hình tương lai an toàn hàng hải).

Tại Khoa Máy tàu biển, trong số khoảng 750 sinh viên đang theo học ngành máy, hiện chỉ có 10 sinh viên nữ, một nửa trong số này là sinh viên thuộc chuyên ngành Khai thác máy tàu biển (chuyên ngành định hướng nghề nghiệp thuyền viên). Trong số này, ngoài một số sinh viên nữ chủ động chọn nguyện vọng học ngành Máy tàu biển, số còn lại là lựa chọn thứ yếu khi không đạt nguyện vọng đầu. 

Ngoài việc giúp các sinh viên nữ hiểu rõ hơn đặc điểm ngành nghề, cơ hội phát triển, cam kết của các doanh nghiệp ngành hàng hải về cơ hội việc làm cũng giúp các em yên tâm học tập để chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng cho sự thành công với các vị trí việc làm tương lai trong ngành Hàng hải.

Đến dự buổi gặp gỡ có các đại diện của Công ty NS United Nhật Bản tại Việt Nam, Công ty VINIC, Trung tâm thuyền viên VICMAC, Công ty VTB Thăng Long - là các doanh nghiệp cung cấp thuyền viên chủ yếu cho đội tàu Nhật Bản. Tại buổi gặp mặt, đại diện các Công ty đã chia sẻ về môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến đối với nhân sự nữ trong ngành hàng hải và nữ thuyền viên nói riêng. Được biết, các chủ tàu Nhật Bản hiện đã có các kế hoạch cụ thể trong việc tuyển dụng, đào tạo và bố trí các điều kiện làm việc đạt chuẩn cho thuyền viên nữ. Chủ tàu NS United có kế hoạch đạt được tỷ lệ 10% thuyền viên nữ và hiện đã tuyển dụng và bố trí việc làm cho 3 thuyền viên nữ là người Việt Nam. Đại diện các công ty cũng cam kết tạo cơ hội công bằng đối với sinh viên nữ có mong muốn làm việc trên tàu.

Tại Việt Nam, số lượng sinh viên nữ quan tâm đến các ngành đi biển có xu hướng tăng dần những năm gần đây. Năm 2023, Cục Hàng hải Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho một số thuyền viên nữ. Hiện các thuyền viên nữ này đang làm việc trên đội tàu quốc tế ở vị trí sỹ quan hàng hải mức trách nhiệm vận hành (Deck/Engine Officer - Operating level) với mức thu nhập từ 2.000-3.000 USD/tháng.

Theo thống kê, hiện nay Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có 16 sinh viên nữ tại các chuyên ngành Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển. Đây sẽ chính là những nữ thuyền viên trong tương lai, đóng góp cùng sự phát triển ngành hàng hải Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung.

Ngày Hàng hải thế giới năm 2024 tập trung vào an toàn hàng hải, cộng đồng hàng hải toàn cầu cần đảm bảo việc đáp ứng đầy đủ mỗi mắt xích trong chuỗi trách nhiệm phải là ưu tiên hàng đầu, là nghĩa vụ quan trọng. Chủ đề Hàng hải Thế giới năm 2024 là "Hành hải tương lai: an toàn là trên hết!", phản ánh nỗ lực của IMO nhằm tăng cường an toàn và an ninh hàng hải, song song với việc bảo vệ môi trường biển, đồng thời đảm bảo quá trình phát triển an toàn, bền vững, dự đoán được tốc độ đổi mới công nghệ một cách nhanh chóng.

Năm 2024, ngành hàng hải thế giới tập trung vào việc tác động của các quy định về an toàn, việc áp dụng các công nghệ mới cũng như việc đưa vào sử dụng nhiên liệu thay thế, nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ tàu khi IMO nỗ lực đảm bảo duy trì an toàn và hiệu quả của hoạt động vận chuyển, đồng thời có khả năng cải thiện, để dòng chảy thương mại quốc tế trên biển tiếp tục diễn ra thông suốt và hiệu quả.

Tất cả các điều đó đã khẳng định an toàn luôn là trọng tâm trong mọi hoạt động của IMO kể từ khi Tổ chức này được thành lập.

Chúc toàn thể thuyền viên, cán bộ giảng viên đã và đang công tác trên tàu, các em sinh viên ngành đi biển lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, luôn tự hào với công việc mà mình đã lựa chọn và luôn thuận lợi, an toàn trong mỗi chuyến đi.